Bài viết trước đã vạch trần những chiêu trò tinh vi của kẻ lừa đảo đặt phòng khách sạn. Trong bài...
Cạm bẫy trực tuyến: Vạch trần chiêu trò lừa đảo đặt phòng khách sạn
Lừa đảo đặt phòng khách sạn đang là một vấn nạn nhức nhối tại Việt Nam, gây thiệt hại không nhỏ cho du khách và ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của đất nước. Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là việc đặt phòng trực tuyến ngày càng phổ biến, đã vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Cùng Hotel Link tìm hiểu sâu hơn về vấn nạn này, nhận diện các chiêu trò lừa đảo và trang bị kiến thức để phòng tránh, bảo vệ bản thân khỏi những cạm bẫy trực tuyến.
Các chiêu trò lừa đảo tinh vi
Để lừa đảo du khách, các đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp và liên tục thay đổi để tiếp cận nạn nhân . Các đối tượng này thường nhắm vào những khách sạn, khu nghỉ dưỡng có uy tín đang "hot" trong khu vực để tạo lòng tin. Chúng sử dụng các công cụ kỹ thuật để giả mạo website/fanpage với giao diện gần như giống hệt trang thật, sử dụng hình ảnh đẹp, đánh giá tích cực và số điện thoại hotline giả mạo để tư vấn cho du khách. Tần suất đăng bài của các trang giả mạo này gần như ngay lập tức sau khi trang chính chủ đăng bài mới, và ngay cả cách tương tác cũng gần như y hệt. Dưới đây là một số hình thức lừa đảo đặt phòng khách sạn được ghi nhận gần đây, bao gồm:
- Giả mạo website/fanpage: Tạo ra các website, fanpage giả mạo giống hệt các khách sạn, resort uy tín, sử dụng hình ảnh đẹp, đánh giá tích cực và số điện thoại hotline giả mạo để tư vấn cho du khách. Thậm chí, chúng còn sử dụng các kỹ thuật tinh vi để có được dấu tích xanh của Facebook, khiến cho các trang giả mạo trông có vẻ hợp pháp và đáng tin cậy.
- Thông tin sai lệch: Cung cấp thông tin và hình ảnh phóng đại, thậm chí sử dụng tên giống với một thương hiệu lớn để đánh lừa khách hàng. Khi đến nơi, du khách mới phát hiện ra sự thật là khách sạn không hề giống như quảng cáo.
- Thay đổi giá phòng: Báo giá phòng thấp hơn hẳn so với mức giá phòng tại khu vực để thu hút sự chú ý của khách du lịch nhằm thuận lợi tiến hành đến bước đặt phòng và lừa khách du lịch chuyển tiền.
- Yêu cầu chuyển khoản nhiều lần: Sau khi du khách chuyển khoản tiền đặt cọc lần đầu, kẻ lừa đảo sẽ thông báo khách chuyển sai nội dung và yêu cầu chuyển lại tiền để bộ phận kế toán xác nhận và hoàn lại số tiền thừa. Thủ đoạn này được lặp lại nhiều lần với số tiền tăng dần, khiến du khách mất cảnh giác và bị lừa số tiền lớn.
Các trường hợp lừa đảo đặt phòng gần đây
Để thấy rõ hơn mức độ tinh vi của các vụ lừa đảo đặt phòng khách sạn, dưới đây là một số trường hợp điển hình đã xảy ra gần đây tại Việt Nam:
- Vụ việc lừa đảo hơn 1 tỷ đồng: Một nữ du khách ở Hải Phòng đã bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng tại khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà (Ninh Bình) qua fanpage Facebook giả mạo. Kẻ lừa đảo đã yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đặt cọc nhiều lần với số tiền tăng dần, từ 39,5 triệu đồng lên đến 485,6 triệu đồng. Nạn nhân chỉ nhận ra mình bị lừa khi không thể liên lạc được với khu nghỉ dưỡng.
- Các trường hợp khác: Rất nhiều các trường hợp khác tại Việt Nam đã chia sẻ tình cảnh bị lừa của họ với số tiền nhỏ từ khoảng 1triệu - 5 triệu. Khi tìm kiếm trên mạng xã hội với cụm từ “lừa đảo khách sạn”, bạn hoàn toàn dễ dàng bắt gặp hàng loạt bài chia sẻ từ người dùng về vấn nạn này.
Bóc trần chiêu trò lừa đảo đặt phòng khách sạn tại Việt Nam
Fanpage giả mạo - Mặt nạ hoàn hảo
Lợi dụng sự phổ biến của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, các đối tượng lừa đảo tạo ra những fanpage giả mạo khách sạn, resort với độ nhận diện gần như tuyệt đối. Chúng sao chép y hệt giao diện, hình ảnh, thông tin của trang thật, thậm chí sử dụng kỹ thuật tinh vi để có được dấu tích xanh, khiến người dùng khó lòng phân biệt.
Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, khách đặt phòng sẽ phát hiện ra những điểm "lộ tẩy" sau:
- Sai sót trong thông tin: Hotline có đầu số không đúng với khu vực, website giả mạo không hoạt động, đánh giá không liên quan hoặc đã cũ, URL fanpage có ký tự lạ.
- Lỗi chính tả: Tin nhắn trả lời thường xuyên sai chính tả cơ bản.
- Cảnh báo giả mạo: Trang giả mạo thậm chí còn cảnh báo về tình trạng giả mạo của chính khách sạn thật để đánh lạc hướng người dùng.
- Thông tin trang fanpage mập mờ: Các bài đăng trên trang fanpage có dấu hiệu chỉnh sửa bài đăng, ngày và giờ. Ngoài ra, mục Tính minh bạch của trang có dấu hiệu thay đổi tên fanpage, đội ngũ quản lý ở các nước/ khu vực địa lý không thống nhất với địa chỉ của khách sạn/ khu nghỉ dưỡng.
Thủ đoạn "cao tay" móc túi du khách
Rất nhiều du khách bị lừa đã chia sẻ rằng họ đã chuyển tiền nhiều lần cho bên giả mạo, thậm chí có người mất đến gần cả tỷ đồng như trường hợp của chị H. (quận Hải An, Hải Phòng - tên nhân vật đã thay đổi) khi tìm kiếm và đặt phòng cho chuyến du xuân của cả gia đình qua fanpage tích xanh mang tên Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình. Điều này đặt ra câu hỏi lớn: Bằng cách nào những kẻ lừa đảo có thể moi tiền của du khách nhiều lần như vậy? Chắc chắn chiêu trò này không chỉ đơn giản là báo giá phòng rồi lừa chuyển khoản một lần duy nhất. Hãy cùng Hotel Link vén màn bí mật, phơi bày thủ đoạn tinh vi mà những nhóm lừa đảo sử dụng để chiếm đoạt số tiền khổng lồ từ du khách nhẹ dạ cả tin.
Bước 1:
Khi du khách hỏi đặt phòng, fanpage giả mạo sẽ phản hồi nhanh chóng, báo giá, thời gian, số lượng người chuyên nghiệp. Sau đó, chúng sẽ tạo áp lực bằng cách thông báo phòng sắp hết và yêu cầu đặt cọc hoặc thanh toán 100%.
Nếu khách đồng ý đặt phòng, chúng sẽ cung cấp số tài khoản ngân hàng với tên công ty đầy đủ và yêu cầu chuyển tiền kèm nội dung cụ thể. Ví dụ, chúng có thể yêu cầu du khách nhập nội dung chuyển khoản là "AIT87" - một dãy ký tự dễ gây nhầm lẫn do chữ "I" in hoa trông giống chữ "l" viết thường. Bằng cách này, dù khách đặt phòng có cẩn thận đến đâu, chúng vẫn có thể báo đã chuyển sai.
Bước 2:
Sau khi du khách chuyển khoản lần đầu, chúng sẽ thông báo "hệ thống chưa ghi nhận" và yêu cầu du khách chụp màn hình giao dịch. Khi du khách cung cấp ảnh chụp màn hình, chúng sẽ "giả vờ hốt hoảng" và báo rằng khách đã gõ sai nội dung, yêu cầu chuyển tiền lần 2 để "giữ phòng" và hứa hẹn hoàn tiền lần đầu.
- Nếu khách đặt phòng tỏ vẻ nghi ngờ và yêu cầu hoàn tiền ngay, chúng sẽ tiếp tục "diễn kịch" bằng cách đưa ra "nhân viên kế toán" (cũng là giả mạo) để hướng dẫn bạn những thao tác hoàn tiền vô lý.

Bước 3:
- "Nhân viên kế toán" này sẽ yêu cầu bạn gõ câu lệnh "Yêu cầu hoàn tiền đặt phòng" vào mục chat với fanpage giả mạo để nhận một mã OTP yêu cầu hoàn tiền. Mã OTP này thường có định dạng từ 6 chữ số trở lên, ví dụ như: 766895 - 7465873 - 876574837. Nếu đọc theo định dạng đơn vị tiền tệ, nó sẽ là 766,895 VND - 7,465,873 VND - 876,574,837 VND.

- Sau đó, chúng sẽ yêu cầu bạn nhập mã này vào mục "Số tiền cần chuyển" trên app ngân hàng và nhập nội dung "Hoàn tiền cho yêu cầu đặt phòng mã trên".
- Ở bước cuối, chúng sẽ yêu cầu bạn bấm "Đồng ý gửi", nhập OTP chuyển tiền từ ngân hàng và tiếp tục giữ ngón tay khi bấm "Gửi" để hiện thông báo "pop-up" hỏi bạn có muốn hoàn tiền giao dịch này không - một tính năng hoàn toàn không tồn tại trên bất kỳ app ngân hàng nào. Mục đích của những thao tác này là khiến bạn mất cảnh giác và chuyển tiền lần 2.
Sau cùng, dù khách đặt phòng có làm theo hướng dẫn hay không, kết quả vẫn là bị lừa đảo và chặn liên lạc. Kể cả khi nhận được xác nhận đặt phòng, khi đến khách sạn thật cũng sẽ không có thông tin nào về đặt phòng của du khách.
Vấn nạn lừa đảo đặt phòng khách sạn đang ngày càng tinh vi và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vậy những tác động cụ thể của nó đối với khách sạn và ngành du lịch là gì? Làm thế nào để phòng tránh và ngăn chặn hiệu quả? Hãy cùng Hotel Link đón đọc phần tiếp theo của loạt bài viết này để tìm hiểu chi tiết hoặc gửi yêu cầu cập nhật bài tiếp theo ngay phần bình luận bên dưới bài đăng này.